Các ngày lễ lớn trong năm ở Campuchia

Campuchia là một trong những quốc gia có nhiều ngày nghỉ lễ nhất ở Đông Nam Á mặc dù từ năm 2020, Chính phủ Campuchia đã cắt 6 ngày nghỉ lễ từ 28 ngày xuống còn 22 ngày, mục đích nâng cao năng suất lao động cho đất nước.

Những ngày lễ của Campuchia bao gồm những ngày tưởng niệm, những ngày lễ tôn giáo có nguồn gốc Phật giáo theo Lịch Khmer, do vậy một số ngày lễ có thể thay đổi hàng năm theo Lịch Khmer. Một số những ngày lễ khác không chính thức được thừa nhận như Tết Nguyên Đán Trung Quốc, Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân vẫn được tổ chức rộng trong cộng đồng người Campuchia.

Mâm cơm cúng phổ biến tại gia đình người Campuchia trong các ngày lễ quan trọng

Các ngày lễ của Campuchia nằm rải rác khắp các tháng trong năm. Trong đó, có những dịp lễ lớn và quan trọng như: Tết cổ truyền Khmer, Pchum Ben, Lễ hội nước. Các lễ hội văn hóa trong dịp lễ này thường được tổ chức ở chùa, tại gia đình thường làm mâm cỗ cúng.

1. Tết cổ truyền Khmer (Bon Chol Chhnam Thmey)

Tết cổ truyền Khmer, Bon Chol Chhnam Thmey diễn ra vào giữa tháng 4 (14,15,16/4) kéo dài 3 ngày, đánh dấu một mùa gặt kết thúc. Đây là dịp lễ vô cùng quan trọng, chính vì thế mặc dù lịch nghỉ Nhà nước chính thức chỉ kéo dài 3 ngày nhưng thường rất nhiều văn phòng, công sở có thể cho nhân viên nghỉ lễ sớm, hoặc ngày lễ này rơi vào thứ 7, chủ nhật sẽ được nghỉ bù, thậm chí kéo dài đến cả tuần.

Đèn sao không thể thiếu trong trang trí ngày Tết cổ truyền Khmer

Các thành phố lớn thường vắng vẻ trong những ngày Tết cố truyền Khmer, vì mọi người về quê thăm gia đình, tổ chức liên hoan ăn uống, đi chùa ở địa phương. Các gia đình thường làm mâm cỗ đầy để cúng, nhà cửa dọn sạch sẽ, trang trí bắt mắt. Lễ hội được tổ chức ở khắp các chùa, hội chợ, diễn văn nghệ hay chơi trò dân gian té nước…

2. Pchum Ben

Lễ Pchum Ben thường điễn ra tháng 10 (tính theo Lịch Khmer) được xem là ngày lễ tưởng niệm những người đã mất, rất quan trọng trong Phật giáo của người Campuchia.

Trong tiếng Campuchia từ Ben có nghĩa thu gom, hay suất cơm nhiều phần, Pchum nghĩa là tụ tập cùng nhau. Ngày này là dịp mọi người quây quần gặp nhau ở chùa, mang những cặp lồng cơm trắng cùng món ăn đến chùa cúng các nhà sư, đây cũng là hình thức tưởng niệm tổ tiên ông bà những người đã mất, vì người Campuchia khi chết tro cốt sẽ được thờ cúng trong chùa.

Người dân Campuchia mang cơm lên chùa cúng các nhà sư trong dịp lễ Pchum Ben

Người ta tin rằng một số người chết khi chết đi với tội lỗi họ có thể bị thiêu và chịu nhiều tra tấn trong địa ngục. Pchum là ngày họ nhận được đồ cúng lễ từ gia đình họ những người còn sống, người chết sẽ được nhẹ nhõm phần nào. Khi người thân của người đã chết dâng thức ăn cho thần linh, thần linh sẽ chúc phúc cho họ.

3. Lễ hội nước (Bon Om Touk)

Lễ hội nước, Bon Om Touk diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11 (theo âm lich Khmer), đánh dấu kết thúc mùa mưa. Tuy nhiên theo thực tế thời tiết hiện nay có lẽ vì biến đổi khí hậu, mùa mưa ở Campuchia thường kéo dài kết thúc tận cuối tháng 11.

Bắn pháo hoa trên sông trong ngày Lễ hội nước

Lễ hội kéo dài trong 3 ngày, thu hút rất nhiều người đổ về các dòng sông nơi có lễ hội đua thuyền. Đông nhất ở Phnom Penh, hàng triệu người các tỉnh đổ về đây để xem đua thuyền đầy màu sắc (ở Siem Reap , Kampot cũng có nhưng không đông bằng). Bên cạnh đó thường bắn pháo hoa, đêm nhạc hội vào buổi tối trên sông. Vào năm 2010, một trong những vụ giẫm đạp kinh hoàng nhất trong lịch sử đã diễn ra trong Lễ hội nước trên cầu Koh Pich, Đảo Ngọc ở Phnom Penh khiến hơn 300 người thiệt mạng…

Ngoài những ngày lễ lớn quan trọng trên, Campuchia còn vô số những ngày lễ chính thức khác như: Tết Dương lịch, Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Quốc tế Lao động, Ngày sinh nhật Vua, Ngày đăng quang của Vua, Ngày độc lập …